Thay thế thông tư 08 - Chuyển hướng từ kỷ luật học sinh công khai sang đồng hành.
- Bich Lan Nguyen
- May 14
- 6 min read
Một ánh mắt bao dung, một lời nói công nhận - có thể là bước ngoặt của cả đời một đứa trẻ.
Khi báo Dân trí đăng bài “Giáo viên không được "mắng" học sinh tiểu học theo quy định kỷ luật mới”, mình vào một hội nhóm thấy nhiều comments không ủng hộ việc "thôi quát mắng" ... nên xin phép chia sẻ bài viết này.
Giáo dục là để hỗ trợ, không thể bắt đầu bằng sợ hãi
Mình có một bạn coachee 7 tuổi. Bé thông minh, yêu thích lịch sử, xếp lego rất giỏi.
Tuy nhiên, bé gặp khó khăn trong việc viết chữ - bé viết chậm và chưa đúng theo chuẩn trong vở ô ly. Điều này khiến bé thường bị nhắc nhở trong lớp, giữa tất cả các bạn học khác.
Có lúc bé bị gọi là: “lười”, “kém”, "dốt" “cá biệt”.
Dần dần bé bắt đầu trở nên bối rối, hoang mang và tin điều đó là đúng.
Bé sợ viết, ngại đến lớp, phủ nhận những điều tốt mà mình làm được.
Và đây không phải là một trường hợp duy nhât.
Đó có thể là kết quả kéo dài của một quan điểm giáo dục đã in hằn từ lâu.
Thông tư 08, ban hành năm 1988, quy định một hệ thống kỷ luật nghiêm khắc dành cho học sinh, bao gồm khiển trách trước lớp, cảnh cáo toàn trường, hay đuổi học có thời hạn. Mặc dù bối cảnh xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều, tinh thần của thông tư này vẫn còn ảnh hưởng trong một số quan điểm và hành xử giáo dục hiện nay.
Một số giáo viên vẫn chọn cách phê bình công khai học sinh.
Một số phụ huynh vẫn tin rằng: “thương cho roi cho vọt” là cần thiết.
Khi dự thảo quy định mới ra đời, không ít các ý kiến thể hiện sự ủng hộ cách dạy dỗ dựa trên mắng mỏ và hình phạt, như: "Thương cho roi cho vọt", "Không mắng thì thành cướp", "Dạy là phải nghiêm, phải dọa, phải trị"...
Bạn suy nghĩ gì về những quan điểm này?
Hãy ngưng lại một chút để trở về tuổi thơ của bạn nhé.
Có những điều tưởng nhỏ trong lớp học hoặc trong gia đình, nhưng lại đi cùng một đứa trẻ cả đời.
Đôi khi, một cái cau mày, một lời mắng giữa lớp... chính là hình ảnh “hãi hùng” mà một đứa trẻ mang theo đến tuổi trưởng thành.
Bạn có thể thử bằng cách quay về tuổi thơ để lắng nghe ký ức của mình – qua một vài câu hỏi:
• Có lời nói nào trong thời đi học đến bây giờ bạn vẫn không quên – không phải vì nó NÂNG bạn lên, mà vì nó khiến bạn CO MÌNH lại?
• Nếu có một đứa trẻ đứng trước bạn hôm nay – mang cùng vết thương bạn từng chịu – bạn sẽ nói gì với nó?
• Trong vai trò người lớn hôm nay, bạn có từng lặp lại điều ấy – bằng chính giọng nói hay ánh mắt từng khiến bạn tổn thương?
• Khi còn nhỏ, bạn có bao giờ SỢ một người lớn? Họ làm gì khiến bạn thấy mình bé lại?
Và cuối cùng, câu hỏi dành cho tất cả người lớn chúng ta:
• Nếu có một đứa trẻ nhớ về bạn sau 10 năm – bạn muốn mình là đoạn ký ức như thế nào trong nó?
Những tổn thương khó nhìn thấy bằng mắt thường.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là ở độ tuổi đầu tiểu học, vẫn đang trong quá trình hình thành nhận thức và phát triển khả năng điều chỉnh cảm xúc. Khi bị nhắc nhở một cách gay gắt hay gán những định danh tiêu cực, trẻ rất dễ đồng nhất mình với những từ đó. Từ đó, lòng tin vào bản thân bị lung lay, đôi khi dẫn đến sự khép lại – không chỉ về hành vi mà cả niềm tin rằng – mình không thể học được!
Em bé coachee của mình từng nói với mẹ:
- Con chẳng làm được gì tốt cả!
Mặc dù em đã có những tiến bộ đáng kể - chữ viết rõ hơn, đọc tốt hơn, mẹ em rất ghi nhận sự cố gắng – nhưng em vẫn xem đó là điều không đáng trân trọng.
Khi trẻ liên tục nghe những câu như: Sao em dốt thế? Não bộ không chỉ tiếp nhận ngôn từ mà còn lưu giữ cảm xúc như: buồn bã, xấu hổ, tức giận... Những cảm xúc ấy có thể làm lu mờ khả năng học tập, giảm động lực và khiến trẻ sợ hãi việc đến lớp.

Bỏ hoàn toàn các hình thức kỷ luật công khai với học sinh - Bước chuyển biến cần thiết và nhân văn.
Dự thảo Thông tư mới, dự kiến bỏ hoàn toàn các hình thức kỷ luật công khai với học học sinh. Không còn khiển trách trước lớp. Không còn đuổi học. Thay vào đó là nhắc nhở riêng tư, tôn trọng học sinh, không ghi vào học bạ. Giáo viên không được phê bình học sinh trước tập thể lớp, trường hoặc tại các cuộc họp phụ huynh...
Có thể một số người vẫn sẽ nghi ngại: Không phạt thì dạy sao được? Đây không phải là sự “nuông chiều”, mà là sự chuyển đổi tư duy giáo dục: từ kiểm soát sang đồng hành, từ “phạt để sợ” sang “dạy để hiểu”.
Kỷ luật không có nghĩa là trừng phạt – mà là dẫn dắt.
Dạy học không có nghĩa là bỏ qua kỷ luật.
Mà là thiết lập ranh giới bằng sự thấu hiểu, chứ không phải bằng nỗi sợ.
Một đứa trẻ biết được mình sai – nhưng vẫn thấy mình có giá trị - sẽ học cách sửa sai và trưởng thành. Đó mới là giáo dục.
Giáo viên - Người hướng dẫn và khơi mở tiềm năng.
Thay vì đóng vai người “trừng phạt”, giáo viên được mời gọi trở thành người quan sát tinh tế, khuyến khích và dẫn dắt, như:
• Nhắc nhở riêng tư, tránh gây tổn thương danh dự của trẻ.
• Ghi nhận nỗ lực dù nhỏ - thay vì chỉ chú trọng vào lỗi sai.
• Kết nối với phụ huynh để đồng hành cùng trẻ qua từng bước tiến bộ.
• Chủ động hỏi: Điều gì đang khiến em gặp khó khăn? Thay vì: tại sao em lại chưa làm được?
Và cũng đã đến lúc phụ huynh nên chuyển từ câu hỏi: cô có nghiêm không? sang hỏi: Cô thấy điểm mạnh nào ở con tôi?
Môi trường học tập an toàn - nền tảng của phát triển bền vững.
Trẻ em phát triển tốt nhất trong môi trường nơi các em cảm thấy được vui vẻ, tôn trọng, tin tưởng và có quyền được sửa sai. Những đứa trẻ từng bị gán nhãn – khi được gỡ bỏ các định kiến và được dẫn dắt bằng sự thấu hiểu – thường có thể phát triền mạnh mẽ đúng với nhịp độ riêng mình.
Một xã hội phát triển là nơi:
• Giáo viên được huấn luyện để khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh.
• Học sinh có cơ hội được sai – và được học lại từ sai lầm đó.
• Phụ huynh tự hào không vì con “im lặng ngoan ngoãn”, mà vì con biết nói lên suy nghĩ, biết học hỏi và trưởng thành.
Việc Bộ GD&ĐT cập nhật dự thảo thay thế Thông tư 08 là một bước chuyển mình đáng mừng – nhưng cần được hiểu đúng.
Và, để sự thay đổi này trở thành thực tiễn có ý nghĩa, rất cần sự đồng thuận và tham gia từ chính mỗi người lớn – giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội.
Hãy bắt đầu bằng cách ta nhìn trẻ - không phải như một sản phẩm cần uốn nắn cho đúng.
Mà như một con người đang học cách lớn lên – với đầy rối ren, vụng về nhưng cũng đầy tiềm năng.
Một ánh mắt bao dung, một lời nói công nhận – có thể là bước ngoạt của cả đời một đứa trẻ.
Hãy thay đổi – từ chính ngôn ngữ - ánh mắt – và cách nhìn mà ta dành cho trẻ.
Vì các em đang lớn lên trong đó.
Bích Lan
Chuyên gia huấn luyện cha mẹ - trẻ em (ICF Coach)
Comments