top of page

Bạo lực học đường - bài học cần nhận ra trong giáo dục kỹ năng xã hội.

  • Writer: Bich Lan Nguyen
    Bich Lan Nguyen
  • Mar 1
  • 3 min read

Vụ việc đau lòng xảy ra tối ngày 15.2 vừa qua, khi một nữ sinh bị các bạn học đánh hội đồng, khiến em chịu tổn thương nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần. Đó không chỉ là một trong những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng diễn ra trong thời gian gần đây mà còn là một hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt nghiêm trọng kỹ năng xã hội ở học sinh hiện nay.


Hơn 3 năm vừa qua, trong vai trò một chuyên gia khai vấn, đồng hành và hỗ trợ cho lứa tuổi 12 – 13, với gần 100 trường hợp liên quan đến xung đột học đường, mình đã thống kê và nhận ra có tới hơn 80% các em không muốn đi học nữa, cảm thấy mất động lực, dần mất niềm tin vào bản thân và người xung quanh chỉ vì những mâu thuẫn, xung đột với bạn bè.


Điều gì đã khiến các em rơi vào tình trạng này?


THIẾU KỸ NĂNG XÃ HỘI – GỐC RỄ CỦA NHIỀU VẤN ĐỀ

Trẻ em ngày nay sống trong điều kiện vật chất đầy đủ, nhưng lại thiếu đi những bài học quan trọng về ứng xử xã hội. Khi gặp mâu thuẫn, nhiều em không biết cách xử lý, dễ cảm thấy bị tổn thương hoặc thậm chí đổ lỗi, thay vì tìm cách giải quyết vấn đề. Ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này mà mình đã quan sát, ghi nhận được là:  


1.            Trẻ thiếu trải nghiệm thực tế trong việc giải quyết xung đột:


Trong các chương trình workshop thực hành, mình thường dành phần lớn thời gian để quan sát cách cha mẹ chơi cùng con. Và, phải thừa nhận rằng, có khá nhiều cha mẹ có xu hướng can thiệp hơi nhiều vào những vấn đề của con, thay vì để con tự xử lý xung đột hoặc hướng dẫn, gợi ý để con có khả năng tự tìm ra giải pháp. Điều này khiến trẻ mất đi cơ hội học cách đối thoại, thỏa hiệp, hoặc chịu trách nhiệm với cảm xúc của mình.


2.           Trẻ thiếu khả năng chịu đựng và kiên trì:

Những va chạm nhỏ trong cuộc sống hay khi chơi cùng bạn bè có thể giúp trẻ phát triển sức chịu đựng cảm xúc. Tuy nhiên, điều mình thường gặp là ba mẹ sẽ nhanh chóng giúp con giải quyết các vấn đề, không chỉ là phân xử các xung đột của anh/chị em trong gia đình mà cả khi con gặp xung đột với bạn bè. Sự bảo bọc này vô tình khiến trẻ dễ cảm thấy bất lực, không biết cách tự giải quyết vấn đề khi không có trợ giúp trước những tình huống khó khăn.

 

3.         Trẻ ít được hướng dẫn cách giao tiếp và tương tác lành mạnh: 

Nhiều trẻ thiếu kỹ năng diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc một cách tích cực. Khi gặp xung đột, các em thường tìm cách im lặng, bỏ chạy hoặc phản ứng tiêu cực, đôi khi dùng bạo lực.

 

CHƠI CÙNG CON – THỜI GIAN TỐT ĐỂ GIÚP TRẺ HỌC NHỮNG KỸ NĂNG XÃ HỘI MỘT CÁCH TỰ NHIÊN

 

Cha mẹ không thể chờ đến khi con gặp vấn đề mới vội vã dạy con cách xử lý hoặc đi tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Những kỹ năng này rất cần được rèn luyện hàng ngày, và một trong những cách tự nhiên và hiệu quả nhất chính là thông qua việc chơi cùng con.

Khi cha mẹ chơi cùng con, đó không chỉ là thời gian để cha mẹ và con gắn kết, cùng nhau tận hưởng niềm vui... mà còn là cơ hội để trẻ học cách tương tác, giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc. Đây cũng là thời điểm tốt nhất để cha mẹ hướng dẫn (làm mẫu) hoặc gợi ý, bổ sung thêm những kỹ năng con cần được trang bị thông qua các trò chơi.   

 

Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề kỷ luật mà còn là vấn đề của kỹ năng xã hội. Khi trẻ không được trang bị khả năng giao tiếp, kiểm soát cảm xúc và giải quyết xung đột, các em dễ bị tổn thương hoặc trở thành người gây tổn thương.

 

Thay vì đợi đến khi con gặp vấn đề để tìm cách xử lý, cha mẹ hãy gieo những hạt giống kỹ năng xã hội từ sớm – thông qua những trò chơi đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Vì những khoảnh khắc chơi cùng con hôm nay chính là nền tảng vững chắc để con biết cách ứng xử với cuộc đời ngày mai.


Nguyễn Thị Bích Lan

Chuyên gia khai vấn cha mẹ & trẻ em.

Comments


Contact.

0912 421 900

Cảm ơn chia sẻ của bạn!

© 2023 by BICH LAN

bottom of page