Chuyến đi thứ 43: Tặng sách và tổ chức sự kiện đọc ngoài trời cho con em chiến sĩ Trường Sa.
- Bich Lan Nguyen
- May 1
- 4 min read
Từ đất liền tới biển, đảo - Sách nối một nhà Việt Nam
(Mời bạn xem video trên Truyền hình Quốc phòng ghi nhận về sự kiện này tại Bài: "Em là người giữ biển bằng tri thức" )
Tháng 4 năm 2025, nhân kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4); hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và 135 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 – 19/5/2025), tôi thực hiện chuyến đi thứ 43, với ước nguyện đặc biệt:
- Mang theo 500 cuốn sách tặng con em cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo Trường Sa.
- Thiết kế, tổ chức một chương trình – ngày hội đọc sách lớn – một sự kiện ngoài trời cho tất cả giáo viên, học sinh trong trường.

Không chỉ là món quà tri thức, đây còn là sự động viên tinh thần cho các em nhỏ đang sinh sống trong khu bán đảo – nơi các em thường xuyên phải xa ba - những người lính đang làm việc nơi biển đảo xa xôi của Tổ quốc...
MỘT CHÚT VỀ CUỘC SỐNG CỦA CÁC EM TRONG KHU BÁN ĐẢO.
Cuộc sống trong khu bán đảo – vốn là khu căn cứ quân sự - mang tính khép kín. Việc học tập, vui chơi của các em chủ yếu diễn ra trong phạm vi nhỏ hẹp. Như một số người thường nói đùa rằng:
“Cứ thả con đi chơi thoải mái, vì chơi chán rồi cũng chỉ có đường về nhà, còn đi đâu được nữa...”

Thời tiết khắc nghiệt, các loại cây trồng ở đây rất khó sinh trưởng. Ngoài giờ học, các em tự chơi loanh quanh trong khu, như tìm bắt châu chấu, đào đất, chơi bóng hay đi xe đạp lòng vòng...
Một vài em may mắn có ông, bà thay nhau ra ở cùng để chăm sóc. Phần lớn, các em hiếm khi được gần gũi gia đình lớn hoặc tiếp xúc với người lạ.
Nên, khi tôi vừa đến nơi, cậu bé 5 tuổi con của bạn tôi liền hớn hở chạy một vòng, khoe với tất cả các bạn rằng: nhà tao có bác Lan đến chơi...
CHUẨN BỊ CHO NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH LỚN.
Với kinh nghiệm thiết kế và tổ chức các sự kiện đọc lớn, ngoài trời, tôi hiểu rằng, việc trình bày trực tiếp với giáo viên luôn hiệu quả hơn là qua email, tin nhắn hay trao đổi online.
Nên tôi chọn cách đến sớm 1 – 2 ngày để gặp gỡ Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên.

Chiều thứ năm đến nơi, tôi có buổi làm việc riêng với cô Hiệu trưởng và hiệu phó, thống nhất nội dung chương trình: từ cách thức tổ chức đến các nội dung hoạt động. Việc chọn sách đã thống nhất trước đó.
Mong muốn tặng 500 cuốn sách nhưng trong khả năng tài chính của mình, tôi chỉ đủ mua:
- 40 bộ sách của tác giả Tiểu Quyên (80 cuốn – Tập 1: Phong ba nơi đầu sóng”, tập 2: Biển ấy của mình)
- 4 bộ sách của tác giả Charlotte Guillain (Bầu trời vời vợi & Bí mật lòng đất).
Sách được gửi đến trước khi tôi có mặt.

Chỉ có một buổi tối để tôi soạn, thiết kế tất cả các nội dung chương trình và những điều cần triển khai cho buổi họp hốm sau, như:
- Đặt đặt tên chương trình, chủ đề chính.
- Xây dựng hơn 80 câu hỏi mở cho học sinh toàn trường, giúp các em khai thác nội dung sâu hơn về các cuốn sách mình vừa đọc...
- Thiết kế các hoạt động sau đọc khác, phù hợp cho các khối lớp...

Sáng hôm sau, tôi trình bày toàn bộ nội dung trước tập thể giáo viên.
Các cô cũng chỉ có khoảng 1 giờ đồng hồ để phân bổ sách và triển khai nội dung đến học sinh, vì buổi chiều hôm đó, các em có cuộc thi kể chuyện và sau đó là nghỉ cuối tuần.
NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH NGOÀI TRỜI - TỪ Ý TƯỞNG ĐẾN THỰC TIỄN
Sau lễ chào cờ đầu tuần, lễ trao giải cuộc thi kể chuyện, chương trình chính thức bắt đầu.

Dù chỉ có rất ít thời gian chuẩn bị, toàn trường đã cùng nhau làm nên một chương trình đọc sách rực rỡ và đầy cảm hứng.

- Hơn 500 học sinh chia thành 4 khu vực đọc, với 3 nội dung lớn: BIỂN – ĐẤT – TRỜI.
- Chủ đề chương trình đọc là:
“Từ đất liền tới đảo xa, sách nối chúng ta lại gần”
“Em là người giữ biển bằng tri thức”.

Các nhóm lớp được phân sách phù hợp độ tuổi và hướng dẫn đọc chi tiết.

Giáo viên tuy không có thời gian chuẩn bị từ trước nhưng vẫn phối hợp rất nhịp nhàng.

Cuối sự kiện, mỗi lớp đều có một sản phẩm đọc tập thể, kết hợp từ bài viết, hình vẽ, cảm nhận của từng học sinh.

Giữa cái nắng gió Cam Ranh, những chiếc áo thấm mồ hôi và cả nụ cười rạng rỡ của các cô giáo, các em học sinh... là những hình ảnh không thể nào quên.

Dù chương trình chưa thể trọn vẹn như kỳ vọng ban đầu, nhưng nó đã trở thành ngày hội thực sự của sách, của tri thức và sự kết nối.

Tôi biết ơn vì được làm một điều đặc biệt – không chỉ cho các em nhỏ nơi đây, mà còn cho chính mình.

Xin gửi lời cảm ơn đến:
Cô Hiệu trưởng và toàn thể giáo viên trường
Truyền hình Quốc phòng dù rất bận các sự kiện cho ngày lễ lớn nhưng vẫn dành một khoảng cho Sách.
Tác giả Bùi Tiểu Quyên với những cuốn sách như viết riêng cho vùng đất này
Bạn Phúc Vũ –hỗ trợ nơi ăn, ở.
Zen Library – đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho chuyến đi
Và tất cả những người bạn, bạn đọc, người quan tâm, nhắn tin, chia sẻ.
Comments