5 điều bạn không thể bỏ qua khi mở Phòng đọc cộng đồng cho trẻ em.
- Bich Lan Nguyen
- Nov 21, 2023
- 3 min read
Updated: Jan 6
Thật tuyệt vời vì ngày càng nhiều các bạn muốn tạo lập những Không gian đọc cho khu dân cư nơi mình sinh sống, hướng tới trẻ em với những mong muốn tốt đẹp, nhân văn.
Tuy nhiên để biến ý tưởng trở thành hiện thực và có thể trở nên bền vững, các bạn nên cân nhắc sâu, rộng hơn… phạm vi một phòng đọc. Bởi vì, không chỉ đơn giản là dành một khoản tiền, mua một ít sách đem về, tạo phòng đọc và mở cửa cho trẻ em đến đọc…

Có khá nhiều yếu tố cần được chuẩn bị kỹ càng, mình xin nêu một vài ví dụ sau:
1. Ngân quỹ mua sách và duy trì
Bạn có biết một em bé có thể đọc hết 10 cuốn sách chỉ trong một buổi chiều? Điều này đặt ra bài toán: làm sao để sách luôn mới mẻ và hấp dẫn?
Qua các buổi tham vấn trực tiếp với mình, mình nhận ra rằng, một số bạn suy nghĩ khá đơn giản, là bỏ một khoản tiền ra mua sách, như một khoản đầu tư ban đầu, rồi duy trì hoạt động với số “vốn” đó
“Vốn” cho sách thì không phải như thế các bạn nhé. Bỏ ra không những không có “lãi” thu về mà ngày một “lõm” cho các khoản mua mới, chưa kể sách hỏng, rách thường xuyên… Nếu là mở một phòng đọc cho trẻ em thì lượng sách cần cho các bạn có thể được ví là tốn hơn ăn cơm đấy. Đặc biệt, nếu phòng đọc không có người điều phối, hướng dẫn hoặc tổ chức hoạt động khai thác các giá trị đa chiều từ sách, trẻ sẽ chỉ tự xem và đọc những nồi dung ít ỏi trong sách tranh… Một em bé có thể lật vèo một lúc hết 10 cuốn sách và trong số ấy, có thể chiếm hơn 50% số sách em không muốn lật, xem lại nữa… Sau một vài tuần hoặc một vài tháng, số sách “ít ỏi” mà bạn đã bỏ nhiều tâm huyết và tài chính để mua sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán, cũ kỹ và không còn thu hút các em nữa…
Vì thế, một kế hoạch rõ ràng, tầm nhìn xa hơn chỉ là đọc… sẽ cần được hoạch định kỹ càng, nếu bạn hướng tới sự lâu dài.

2. Hiểu sách và hiểu trẻ - chìa khóa để duy trì cho thành công dài hạn.
Mình hiểu các bạn có tình yêu với trẻ, nhưng nếu chỉ yêu mà không hiểu trẻ, bạn sẽ khó kiên nhẫn và duy trì năng lượng tích cực khi làm công việc này với lòng từ ái, yêu thương.... Thêm nữa, việc cần hiểu về các chương trình học tập, xu hướng giáo dục mà trẻ em đang tiếp cận… để có kế hoạch phân bổ ngân quỹ, lựa chọn các thể loại sách phù hợp để cân đối nguồn tài chính cũng là những yếu tố then chốt.

3. Kỹ năng tổ chức các hoạt động liên quan đến sách.
Kiến thức sư phạm sẽ cho bạn các góc nhìn tổng quan để lập kế hoạch tổ chức các hoạt động bổ trợ, dựa trên nguồn tài nguyên bạn đang có.
Truyền cảm hứng đọc và có thể tạo cho trẻ một không gian để phát triển tư duy độc lập, sáng tạo từ sách sẽ là một trong những trong những yếu tố tạo cảm hứng đọc cho trẻ mà bạn không nên bỏ qua.

4. Khả năng kết nối với trẻ
Kết nối sâu sắc và trao quyền cho trẻ sẽ tạo nên sự khác biệt cho phòng đọc của bạn. Có kiến thức nền tảng về con người và tâm lý trẻ em sẽ giúp bạn tăng khả năng kết nối với các em thông qua các hoạt động đọc – chơi và học tập.
Mở một phòng đọc cho cộng đồng, đặc biệt là cho trẻ em là một dự án đòi hỏi nhiều tâm huyết, kiến thức và kỹ năng. Nếu bạn nghiêm túc muốn xây dựng một phòng đọc bền vững, hãy chuẩn bị kỹ càng từ ngân sách, kiến thức về sách, kỹ năng tổ chức hoạt động cho đến khả năng kết nối với trẻ…

Một vài chia sẻ ngắn.
Chúc bạn tạo dựng được không gian nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ bền vững.
Và đừng ngại liện hệ đặt lịch tham vấn với tôi, nếu bạn cần.
Comments