Cách bắt đầu đọc sách cùng trẻ để tạo nền tảng bền vững.
- Bich Lan Nguyen
- Nov 19, 2024
- 4 min read
Tư duy đọc sách và cách trẻ học tập, tìm hiểu tri thức thế nào... có thể được ảnh hưởng rất nhiều từ cách bạn đã bắt đầu với cuốn sách cùng trẻ theo cách nào?

Các kiểu tiếp cận sách khác nhau của trẻ:
Một số bé cầm sách lên là đọc từ đầu đến cuối, thấy chữ là đọc, đọc nhanh để túm lấy nội dung.
Một số bé lại xem tiêu đề sách, tác giả, mở sách xem lướt hết từng trang, dừng lại một số điểm… rồi mới đọc. Hoặc, bé sẽ đi vác một vài cuốn khác ra, tìm kiếm thêm một số thứ đặt, để cạnh cuốn sách mình muốn đọc … chờ ba/mẹ…sẵn sàng để đọc cùng.
Một số khác sau khi xem lướt xong cuốn sách sẽ đi rủ bạn cùng xem, cùng nói chuyện về những điều bé thích trong tranh vẽ và phỏng đoán – trước khi đọc hoặc nhờ ai đó đọc giúp (nếu bé chưa biết đọc) …

Quan sát việc đọc của các bé, mình có thể hiểu phần nào đó cách các bé được tiếp cận “kiến thức” và “tư duy học tập”. Ở đây, xin tạm nói về việc đọc.
2. Đọc chủ động hay thụ động?
Một cuộc tranh luận giữa các phụ huynh về việc dạy con đọc sách thụ động hay chủ động đã nổ ra khi họ chứng kiến một bé 3 tuổi "đọc" sách.
Dù chưa biết chữ, bé có thể "đọc" nhờ thuộc lòng nội dung sau khi nghe bố mẹ đọc nhiều lần.
Có ý kiến cho rằng đây là cách học thụ động, vì bé chỉ nhớ như "một con vẹt".
Ý kiến khác lại cho rằng, mỗi đứa trẻ đều có cách tiếp cận sách khác nhau.
Thực ra, cả hai ý kiến đều có phần đúng, tùy thuộc vào cách mà trẻ được giới thiệu và tương tác với cuốn sách, ở thời điểm đầu tiên và sau đó hình thành tư duy đọc.
3. Đọc cho con và đọc cùng con
Sự khác biệt giữa "đọc cho con" và "đọc cùng con" rất quan trọng.
Đọc cho con giống như việc một người ném bóng và người kia chỉ đơn thuần đón bóng.
Còn đọc cùng con lại giống như một trò chơi tương tác, trong đó cả hai cùng tung hứng, tạo ra một cuộc chơi mà cả hai bên đều phải suy nghĩ và xử lý thông tin.
Ví dụ, khi ba mẹ chỉ tập trung vào việc đọc nội dung sách, trẻ có thể ghi nhớ nhanh chóng nhưng thiếu sự tương tác và khám phá.
Ngược lại, nếu bạn khuyến khích trẻ tự xem tranh, khám phá các chi tiết, phán đoán nội dung trước khi đọc, trẻ sẽ phát triển khả năng tư duy chủ động và sáng tạo hơn.
4. Các bước cụ thể để đọc cùng con một cách hiệu quả
Chọn sách cùng con: Để trẻ tự chọn sách hoặc cùng trẻ xem xét các lựa chọn, điều này tạo sự hứng thú ngay từ đầu.
Tạo không gian khám phá: Trước khi đọc nội dung, khuyến khích trẻ tự tìm hiểu về bìa sách, tranh ảnh, tiêu đề, và dự đoán câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào.
Đặt câu hỏi mở: Thay vì đọc một mạch, hãy dừng lại để hỏi trẻ những câu hỏi kích thích tư duy như: "Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?" hoặc "Nhân vật này đang cảm thấy thế nào?"
Thảo luận sau khi đọc: Sau khi đọc xong, cùng trẻ thảo luận về những gì đã đọc, cảm nhận của trẻ và so sánh với những dự đoán ban đầu.
Các hoạt động liên quan cuốn sách - sau khi đọc: Rất nhiều hoạt động sau đọc sẽ giúp trẻ có thể mở rộng sự liên kết, thêm góc nhìn sâu, rộng về cuốn sách vừa đọc. Đồng thời thêm hào hứng, ham mê khám phá ... Bạn có thể sáng tạo cùng trẻ hoặc đặt lịch tham vấn từ mình nhé.
5. Tầm quan trọng của thẩm mỹ và trải nghiệm trong đọc sách.
Một nội dung cuốn sách dành cho trẻ em, các nhà xuất bản (nhất là ở các nước phát triển) thường phát hành dưới nhiều kiểu cách, hình thức, chất liệu, cách trình bày… khác nhau. Nếu ba mẹ hướng sự chú tâm vào nội dung kiến thức thì kể như chỉ mua một bản là đủ.
Điều đó có thể sẽ bỏ lỡ các cơ hội cho trẻ được thưởng lãm những bản sách đẹp, mang tính thẩm mỹ nghệ thuật cao hoặc hạn chế sự tiếp cận thông tin, kiến thức đa chiều, chủ động và chủ động sáng tạo của trẻ.
Tới đây, lại nhớ tới một vài câu chuyện và ví dụ thực tế về Thẻ câu đố thông minh – do mình biên soạn, thiết kế, phát hành. Đây là một công cụ mình dùng để chơi – trong giờ dạy Tiếng Việt cho các bạn học sinh nước ngoài, cũng thường dùng làm trò chơi trong nhiều bối cảnh, vừa vui, vừa có tác dụng gắn kết người chơi với nhau, vừa khiến tụi nhỏ háo hức, hừng hực… và say sưa đọc…
Từ thực tế nhiều bạn rất thích nên mình đã in ra, phát hành và làm quà tặng trong hành trình “mang sách đi chơi”.

Bạn có thể đặt mua “thẻ câu đố thông minh” tại đây, như một cách ủng hộ hành trình mang sách đi chơi của mình, đồng thời có ngay một công cụ chơi vui, khiến các bé chỉ thích đọc và được đọc để đố ba mẹ nhé.
"Một cuốn sách, một cây bút, một đứa trẻ và một giáo viên có thể thay đổi thế giới.” - Malala Yousafzai.
Comments