top of page

Tôi đã từng òa khóc vì một cuốn sách nhỏ thế nào?

  • Writer: Bich Lan Nguyen
    Bich Lan Nguyen
  • Nov 15, 2024
  • 4 min read

Updated: Jan 7


Khi đã học được cách quý trọng những gì mình có, việc trẻ dần hình thành tình yêu với sách và thói quen đọc sẽ là một bước chuyển tự nhiên. - Bích Lan.


Khi mới ra trường, tôi làm việc ở một nơi có rất nhiều sách.

Một hôm đến chỗ làm, thấy một cuốn sách nhỏ bị đặt ở một nơi mà tôi không bao giờ nghĩ nó nên ở đó.


Tôi lặng lẽ lấy cuốn sách ra, lau sạch, vuốt phẳng phiu, đặt lên giá sách – nơi tôi tin rằng nó nên thuộc về.  

Sáng hôm sau đi làm, tôi thấy cuốn sách trở lại chỗ mà hôm qua tôi đã lấy nó ra…

Làm y như hôm trước, cuốn sách lại được tôi chuyển chỗ một lần nữa.


Sang ngày thứ ba, việc ấy vẫn lặp lại. Nhưng lần này hơi khác một xíu.




Chị đồng nghiệp nhận ra cứ lúc nào có mình ở đó thì cuốn sách lại không còn “chỗ đó”! Chị quay qua hỏi:


- Lan! Mi (một cách gọi thân mật của chị đối với tôi) lôi cuốn sách ra phải không?

Tôi nhìn chị, hỏi: sách nào thế?


 Chị nói, cuốn sách ta để ở đó! Ba ngày nay rồi, ngày nào ta để vào thì cũng có người lấy ra. Ta đoán chỉ có mi thôi! Đúng không? 


Tôi nhe miệng cười, thừa nhận, kiểu như vâng ạ, em làm đó, có gì bất thường hay sao ạ?  


Chị nói: Đó chỉ là cuốn sách dùng tặng kèm cuốn lớn, người ta mua rồi không lấy, bỏ lại nên ta dùng nó…!


- Nhưng chị có thể tìm cái khác thay vì dùng sách vào chỗ đó. Khi lấy sách ra, em đã để thứ khác vào cho chị rồi mà! Tôi tiếp tục cự cãi.


Giọng chị bắt đầu hơi bực một xíu, bảo: Chỉ có sách đó mới vừa in và chắc chắn… hiểu chửa!  


- Không đâu! Em không đồng ý cho chị để sách ở đó…Em không đồng ý…!

Hai chị em bắt đầu nói qua nói lại, cuối cùng chị vẫn nhất định lấy cuốn sách nhỏ đặt vào chỗ chị muốn.

Tôi không biết làm sao thay đổi tình hình, thế là tôi òa khóc. Khóc nức nở như một đứa bé...22 tuổi!  


Chị đồng nghiệp mới đầu tưởng tôi khóc giả vờ, quay sang nói tiếp:

- Có một cuốn thôi, mình còn cả đống có ai dùng đâu mà…tiếc!


Không phải em tiếc, mà đó là một cuốn sách, mình có thể tặng cho các bạn sinh viên. Tuy là sách nhỏ, đi kèm sách lớn nhưng nó rất có giá trị… Và quan trọng hơn, nó là sách, không thể làm như thế được…!


- Làm gì? để đâu mà chả được. Không dùng vào việc này thì dùng việc khác… Mi để yên đấy, ta chỉ lấy có 1 cuốn, trong khi mình có vô số kể…!


- Không! Em không đồng ý! Xin chị đấy…! Em… em… thương cuốn sách…! Sao chị có thể làm như vậy với nó chứ huhu…!


- Kệ ta! Cho mi khóc đấy! Nhìn đây! Ta đã để rất nhiều thứ vào đây nhưng không được, chỉ có cuốn sách này là vừa khít, chắc chắn…!


Mắt còn nhòa nước, tôi nhìn cuốn sách nhỏ nằm gọn dưới chân bàn khi tay chị lắc lắc. Đúng là nó vừa khít, chắc chắn, khiến cái bàn không còn khập khiễng nữa. Nhưng chị càng lắc bao nhiêu thì mình các thấy nhói bấy nhiêu…


Rồi, tôi đành quay đi để không phải nhìn thấy cảnh cuốn sách được thay thế mảnh gỗ kê chân bàn, dừng cuộc “đấu tranh” không có kết quả…


Đứa bé lớn 22 tuổi là tôi lúc đó nghĩ rằng, có lẽ, để tạo niềm yêu thích đọc cho trẻ hay bất cứ ai đó, điều quan trọng đầu tiên là thái độ tôn trọng của người đó đối với những sản phẩm tri thức (thực sự có giá trị).




Đến giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp cảnh một số người đối xử với sách và các sản phẩm tri thức (có giá trị) như: kê sách để ngồi, giẫm lên sách, lấy chân đá sách, một số em nhỏ còn dùng sách ném nhau… nhưng tôi không khóc nữa.


Nếu không phải là trẻ em hay người đang trong sự hướng dẫn của tôi thì tôi không có lý do để can thiệp vào quan điểm cá nhân và việc lựa chọn thái độ của mỗi người đối với sách và các sản phẩm tri thức có giá trị khác.


Một phụ huynh từng hỏi tôi, có nên yêu cầu con dọn dẹp đồ đạc trong phòng hay cứ để tự nhiên, bừa bộn?

Câu trả lời của tôi là: Tôi xin phép không gọi tên “bừa bộn” hay “ngăn nắp” mà tôi chú tâm đến thái độ trước. Một em bé được hiểu và có thái độ trân quí, tôn trọng bản thân, tôn trọng thầy cô giáo, bạn bè, người thân, người giúp đỡ mình… những vật dụng, cảnh quan, thức ăn, môi trường xung quanh … thì tự khắc em bé ấy sẽ có cách thể hiện các hành vi tương ứng với nhận thức và thái độ của em….


Khi trẻ có cái hiểu thực sự về giá trị của sự sống, về con người, về tự nhiên… chúng sẽ phát triển một thái độ sống trân trọng đối với mọi thứ – từ những vật dụng thường ngày, môi trường, cảnh quan cho đến những cuốn sách.


Khi đã học được cách quý trọng những gì mình có, việc trẻ dần hình thành tình yêu với sách và thói quen đọc sẽ là một bước chuyển tự nhiên. Chính từ lòng tôn trọng đó, trẻ sẽ không chỉ xem sách là một công cụ, mà còn là một nguồn tri thức quý báu, mở ra những chân trời mới trong hành trình khám phá của mình.





Cuối cùng, tất cả bắt đầu từ một hành động nhỏ - biết tôn trọng những điều tưởng chừng vô tri nhưng chứa đựng giá trị vô cùng lớn lao. Từ đó trẻ sẽ có được thái độ sống biết quý trọng những điều tốt đẹp, không chỉ với sách mà còn với mọi khía cạnh của cuộc đời.

Kommentarer


Contact.

0912 421 900

Cảm ơn chia sẻ của bạn!

© 2023 by BICH LAN

bottom of page