top of page

Đọc sách có thể làm tổn hại đến cuộc sống thế nào?

  • Writer: Bich Lan Nguyen
    Bich Lan Nguyen
  • Dec 17, 2024
  • 6 min read

Updated: Dec 22, 2024

Đọc sách là hành trình mở rộng tâm trí và khám phá thế giới, nhưng nếu thiếu kiến thức nền (nền tảng cơ bản để hiểu và kết nối các thông tin) thì việc đọc có thể dẫn đến hiểu lầm hoặc thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy và quyết định của người đọc.


Bạn tin không?

Truyền cảm hứng đọc sách cho người khác đôi khi dễ dàng hơn nhiều so với việc giúp đỡ một người đang tự hủy hoại cuộc sống của mình mỗi ngày...từ việc đọc!


Vì sao thế?


Tôi gặp một bạn nam được khen là rất chăm chỉ đọc. Mẹ bạn ấy mang cho tôi xem một chồng khoảng mấy chục cuốn được viết bởi cùng một tác giả, nhờ tôi kiểm tra xem đây là sách thật hay giả? Liệu có tin được không? Lật qua mấy cuốn tôi nhận ra đây là những tập sách hướng dẫn thực hành phương pháp abcd... và bạn nam con trai chị đang bị cuốn vào ngàn lẻ các phương pháp “làm sao để trở thành ai đó? Làm thế nào để đạt được điều gì đó?”, vân vân.  Tác giả sách khi còn sống đã cho rằng nhờ thực hành một số phương pháp abcd... ông đã đạt tới cảnh giới abcdxyz... khiến bạn nam tin tưởng và mê mẩn muốn đọc và làm theo.

Thấy con trai ngày một bất ổn, không muốn làm việc gì vì sợ ảnh hưởng đến tiến trình “đạt đến cảnh giới cao” của mình nên nhiều lần ba mẹ bạn đã lén đem bỏ đi một số sách bạn đang đọc, nhưng sau đó bạn lại tìm cách đem loại sách đó về... Và đây là lý do bố bạn ấy đón tôi đến tận nhà hỗ trợ.  


Qua tìm hiểu, tôi nhận ra rằng, vấn đề bạn ấy đang gặp phải không hẳn nằm tất cả ở sách, mà ở sự thiếu chuẩn bị của người đọc khi tiếp cận sách.

Bạn bị thiếu hổng kiến thức nền tảng và khả năng đọc hiểu vô cùng lớn. Nên, khi đọc những phương pháp chỉ dẫn không đầu không cuối, bạn vội lao và thực hành mà không hiểu rõ bản chất, dẫn đến sự mâu thuẫn trong suy nghĩ và cách sống khiến cơ thể suy nhược, xanh xao, đầu óc luôn trong tình trạng mơ tưởng mình đang đạt đến mức nào so với “vị thầy sách” ...

Đây không phải trường hợp duy nhất tôi từng gặp.


Vì sao kiến thức nền quan trọng trong việc đọc?

Kiến thức nền không phải là một loại tri thức hàn lâm phức tạp. Nó là những hiểu biết cơ bản về thế giới, văn hóa, khoa học, lịch sử, hoặc những vấn đề xã hội xung quanh. Đây là chiếc "kính lúp" giúp người đọc nhìn sâu hơn vào ý nghĩa của một cuốn sách và đánh giá nó một cách đúng đắn.

Một người không có hoặc thiếu kiến thức nền tảng và khả năng đọc hiểu, khi đọc sẽ có thể phải đối mặt với một hoặc tất cả các nguy cơ sau:

1.  Nguy cơ hiểu sai thông điệp: 

Ví dụ một bạn trẻ đọc sách tâm linh nhưng không hiểu gốc rễ của tôn giáo, triết học, hoặc văn hóa, có thể áp dụng sai những "chiêu thức" trong sách, dẫn đến sự lạc lối trong tư duy hoặc hành động.

2. Không thể kết nối thông tin:

Ví dụ một người đọc một cuốn sách về lịch sử nhưng không nắm rõ bối cảnh xã hội hoặc địa lý thời kỳ đó sẽ dễ bị mất phương hướng và bỏ lỡ những tầng ý nghĩa quan trọng.

Hoặc, với những cuốn sách dành cho cha mẹ, không ít phụ huynh đã hiểu khái niệm “tôn trọng cảm xúc của con” và áp dụng một cách khá máy móc, để con muốn làm gì tùy thích, muốn ăn ngủ học, chơi thế nào cũng được, miễn là con được ...tự do với cảm xúc của mình...!

3. Không có khả năng kiểm chứng thông tin

Thế giới sách và thông tin luôn vô cùng đa dạng, đặc biệt ở thời đại ngày nay. Và, không phải cuốn sách nào cũng chính xác hay đáng tin cậy. Nhiều cuốn có nội dung mang tính suy diễn, thiên kiến hoặc chứa đựng những thông tin lỗi thời, không đúng sự thật. Nếu người đọc thiếu kiến thức nền và không có khả năng kiểm chứng thông tin sẽ có thể tin tưởng vào những quan điểm sai lệch, thiếu căn cứ khoa học... từ đó đưa ra quyết định sai lầm trong cuộc sống.

Ví dụ, khi kiểm tra những cuốn sách mà bạn nam trong ví dụ kể trên đang đọc, trên sách không có tên Nhà xuất bản và những thông tin liên quan việc in ấn, phát hành... Phía ngoài bìa sách có ghi “lưu hành nội bộ”, kèm tên tác giả. Tất cả số sách được in gia công, chữ mờ và hơi nhòe. Nội dung trong sách phần lớn nói về những kinh nghiệm cá nhân của người viết... Nếu đối chiếu với các nền tảng tri thức gốc (có liên quan đến lĩnh vực tác giả đề cập) thì có khá nhiều sự sai lệch, thiếu chính xác. Những khái niệm đưa ra trong sách đa phần chung chung, thiếu logic...


4. Mất định hướng trong học hỏi 

Khi không có hoặc thiếu hổng kiến thức nền, người đọc không biết bắt đầu từ đâu, nên dễ rơi vào trạng thái "học vẹt" hoặc "thử sai" mà không hiểu rõ mục tiêu hoặc lộ trình cần thiết. Đặc biệt, nếu đọc sách về một lĩnh vực phức tạp như tâm linh mà không nắm vững kiến thức cơ bản sẽ làm tăng sự mơ hồ, hoang mang và rối loạn, cực đoan...


5. Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và cuộc sống

Việc áp dụng các phương pháp hoặc triết lý từ sách một cách máy móc, không phù hợp với thực tế cá nhân, có thể gây tổn thương tâm lý, đánh mất bản thân hoặc tạo ra sự thất vọng khi không đạt được kỳ vọng.

Bạn nam trong ví dụ trên đang ở thực trạng không tin ai ngoài “ông thầy đã chết” trong những cuốn sách của mình. Theo bạn ấy, thế giới hiện tại chỉ có vị đó là nhất, là tối cao, tối thượng... nên đã từ chối mọi cơ hội tiếp cận với các nguồn tri thức khác.


Giải pháp nào cho người đọc thiếu kiến thức nền?

Thiếu kiến thức nền giống như xây dựng một ngôi nhà mà không có móng hay một nhà thám hiểm bước vào vùng đất mới mà không có bản đồ. Thách thức không chỉ nằm ở việc họ dễ hiểu sai hoặc áp dụng nhầm thông tin, mà còn ở khả năng kết nối các khái niệm và xây dựng tư duy sâu sắc.

Dưới đây là một số gợi ý cơ bản để hướng dẫn một người đọc thiếu kiến thức nền tiếp cận tri thức hiệu quả và xây dựng nền tảng vững chắc cho hành trình đọc của mình.

1.  Hiểu rõ điểm xuất phát của người đọc

2. Hướng dẫn chọn tài liệu đọc phù hợp

3. Giúp phát triển kỹ năng tư duy phản biện 

4. Xây dựng kỹ năng đọc hiểu cơ bản

5. Tạo môi trường học tập tích cực 

6. Xây dựng nền tảng tri thức dài hạn.

Để thực sự có kiến thức nền, người đọc cần xây dựng tri thức bền vững qua thời gian bằng cách đọc liên tục và có hệ thống.

Ở môi trường học đường, chuyên gia thư viện và giáo viên chính là những người có vai trò hướng dẫn học sinh trên hành trình học tập suốt đời, giúp học sinh tạo nên nền móng vững chắc cho việc đọc thông qua việc cung cấp tài nguyên, lộ trình đọc có hệ thống, thúc đẩy các hình thức đọc có phản chiếu, đào tạo kỹ năng tra cứu, kiểm chứng thông tin...

Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và chuyên gia thư viện, chúng ta không chỉ giúp học sinh trở thành người đọc tốt hơn mà còn trang bị cho họ khả năng tự học, tư duy độc lập và tự tin trước mọi thông tin trong thế giới hiện đại.


Bích Lan.


Comments


Contact.

0912 421 900

Cảm ơn chia sẻ của bạn!

© 2023 by BICH LAN

bottom of page