Vì sao tôi "Mang sách đi chơi"?
- Bich Lan Nguyen
- Dec 8, 2024
- 3 min read
Updated: Jan 6
“Trẻ nên biết rằng đọc sách là niềm vui, không phải chỉ đọc theo vì giáo viên bắt đọc ở trường”. – Bervely Cleary.

Đúng như câu châm ngôn mà Bervely Cleary đã nói ở trên, sách đối với trẻ là nguồn vui bất tận mà tôi đã có vô vàn cơ hội cùng trẻ trải nghiệm - khi chúng tôi cùng đọc mà như chơi cùng nhau.
Không giới hạn trong căn phòng nào hay ở nơi có bàn ghế ngồi ngay ngắn trang nghiêm nào... Mà trẻ có thể đọc ở khắp mọi nơi, ở bất cứ tư thế nào, miễn trẻ thấy vui, thấy thoải mái với việc đọc là được...

Đọc như là một hoạt động vui chơi cái đã! Và thời gian chơi chính là lúc trẻ em tập trung nhất, sáng tạo nhiều nhất. Nên tôi “mang sách đi chơi” như đưa những “người bạn chơi” đến với các em trên khắp mọi nẻo đường. Những người bạn chơi “cũ” nhưng có nhiều cách chơi mới phù hợp và tạo nhiều cảm hứng, niềm yêu đọc cho các em.
Với sự phát triển công nghệ, Al và sự ra đời của máy đọc sách điện tử như Kindle, Sony Reader Touch và Barnes & Noble Nook… một số người cho rằng, việc theo đuổi công nghệ hiện đại là biểu hiện của sự thức thời, là “đổi mới giáo dục”. Sách giấy như điều gì đó đã cũ, lỗi thời, thậm chí có phần “lạc hậu”.
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của LRS – tổ chức nghiên cứu và phát triển các dịch vụ thư viện thì sách giấy vẫn có nhiều ưu điểm vượt trội bởi sức hút về mặt cảm xúc, thẩm mỹ, không phụ thuộc vào nguồn điện hay pin, dễ đọc và không gây mỏi mắt...
Và, đặc biệt về khía cạnh cảm xúc thì sách giấy vẫn là VUA, là ưu điểm mạnh nhất mà các loại hình công nghệ không có được, nhất là đối với trẻ em.

Vì sao tôi quyết định “Mang sách đi chơi” ?
Một thời gian dài làm việc trong môi trường giáo dục và ngoài giáo dục, tôi nhận thấy một số điều sau:
Trẻ em:
Nhiều em chưa được tiếp cận đa dạng thể loại sách mới và các hình thức đọc - học chủ động.
Các phương tiện công nghệ, điện tử hấp dẫn các em từ hướng giải trí đơn thuần, trong khi có thể khai thác nhiều giá trị khác - nếu các em được trang bị nền tảng đọc - học chủ động.
Nhiều em khó diễn đạt ý kiến do quen học thụ động và hạn chế ngôn ngữ vì ít đọc.
Nhiều trẻ em không biết bày tỏ cảm xúc, trầm cảm.
Ba mẹ:
Nhiều ba mẹ lúng túng trong việc trò chuyện, hiểu để chơi và kết nối với con.
Ba mẹ băn khoăn việc chọn sách và đọc cùng con như thế nào? Làm sao để con thích đọc sách?...
Giáo viên, nhân viên thư viện TH:
Nhiều giáo viên bối rối trong việc kiến tạo, truyền cảm hứng cho những giờ học - đọc vui, mới, hiệu quả.
Nhiều nhân viên TVTH gặp khó khăn trong việc sắp đặt, vận hành thư viện hiệu quả; hỗ trợ giáo viên khai thác giáo tài và khơi gợi niềm yêu đọc cho học sinh...

Dự án “Mang sách đi chơi” của tôi hướng tới mục tiêu:
20.0000 trẻ em hưởng lợi:
Trẻ em học cách đọc - học chủ động. Có thêm góc nhìn mới về việc tiếp nhận và xử lý thông tin...
5.000 phụ huynh hào hứng, tự tin đọc sách cùng con.
Ba mẹ có góc nhìn mới về vai trò của sách đổi với hành trình lớn lên của con.
Tự tin trò chuyện, chơi, làm bạn cùng sách và con.
1.000 giáo viên, nhân viên TVTH truyền cảm hứng, tạo giờ đọc - học vui.
Chủ động, sáng tạo trong việc vận hành thư viện.
Có thêm kỹ năng đọc, khai thác tối đa hiệu quả một cuốn sách.
Các điểm tôi dự định sẽ đến:
Trường học;
Bệnh viện ;
Thư viện cộng đồng,
Tổ chức xã hội...
Điểm đọc tại các gia đình hay nơi công cộng...
Hành trình khởi đầu tuy chưa đạt 100/100 mục tiêu, nhưng tôi tin rằng, tất cả các mục tiêu này sẽ được hoàn thành ở những chuyến đi tiếp nối.
Nguyễn Thị Bích Lan.
Comentários